Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

Các món ăn ngon tại Hạ Long (Phần 2)

Hãy cùng tìm hiểu tiếp những món ăn ngon Hạ Long nhé!

Xem thêm: Các món ăn ngon tại Hạ Long (Phần 1)

Bún xào ngán
Vốn nổi tiếng ở vùng ven sông Chanh, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng tỉnh nhà, nay món bún này lại rất phổ biến ở các nhà hàng thành phố Hạ Long. Thoạt trông, món bún ngán xào nhìn không được bắt mắt, bởi bún trắng trộn với ngán đen, lại có thêm mộc nhĩ, nấm hương và hành lá cũng đều là thứ xanh, đen cả. Hơn nữa, nếu chưa quen ăn ngán thì khó thích món này vì nó nồng, một mùi vị nồng rất đặc trưng của ngán. Nhưng khi đã yêu thích bún ngán xào nó có thể gây nghiện và mới vỡ lẽ ra rằng đĩa thức ăn trông không được bắt mắt kia lại làm cho ta nhận ra được ngay thứ mà ta yêu thích, bởi nó tạo ra một khoảng riêng trên mâm tiệc, không lẫn với bất cứ món ăn nào.
Ngán là một loài động vật nhuyễn thể, vỏ cứng, sống nơi bùn đất, ở biển, họ sò hến, song lại lành. Người ta có thể chế biến chúng thành nhiều món ăn, trong đó có những món ăn mà người đàn bà đẻ có thể ăn được, đó là canh rau ngót nấu ngán và ngán kho.
Nhưng ngán có vị đặc trưng là khá nồng. Không biết có phải nó có vị nồng mà người ta gọi nó là “ngán” không, hay là có cả con ngao nữa, cũng có vị như vậy, mà thành “ngao ngán” (!). Dầu vậy, kể cả ngao và nhất là ngán, lúc đầu chưa ăn quen, món bún ngán xào nói riêng và các món ăn khác chế biến từ ngán nói chung không dễ ăn, song ăn quen rồi lại thành ra nghiện. Thế mới… chết.
Đĩa bún xào ngán nhiều màu sắc

Rượu nếp ngâm Hoành Bồ
Ngoài các món ăn ngon nổi tiếng ra, Hạ Long còn có món đồ uống rất ngon mùi thơm đặc biệt được chế biến từ đặc sản gạo nếp của người dân địa phương. Rượu được chế tạo từ loại gạo nếp đặc sản của địa phương cùng với thứ men lá lấy từ trong rừng Hoành Bồ, sau một thời gian ngâm chuyển thành rượu.
Rượu nếp ngâm Hoành Bồ có vị chua ngòn ngọt, có tác dụng kích thích tiêu hoá, giải khát rất tốt, nhất là vào mùa hè. Rượu nếp ngâm Hoành Bồ vốn dễ uống, có độ nhẹ nhàng, nên nhiều người cho là không thể say được. Nhưng khi uống quá nhiều thì bị say li bì, có khi phải 2-3 ngày mới tỉnh nhưng khi tỉnh rượu không bị đau đầu, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, trong người vẫn thấy khoẻ và lần sau lại muốn được uống tiếp.
Thú vị nhất khi uống rượu nếp ngâm Hoành Bồ là khi đi thuyền trên hồ Yên Lập, ăn cá trắm hoặc cá chép được đánh bắt ngay tại hồ và được ngắm nhìn thưởng thức cảnh đẹp nên thơ của thiên nhiên kỳ thú.

Sam Hạ Long
Đến Hạ Long, bạn đã thưởng thức chả mực, ngán thì bạn cũng không thể bỏ qua một đặc sản ở đây đó là sam biển ở Quảng Yên, đây là loài sam biển vừa quý hiếm vừa bổ dưỡng. Từ nguyên liệu chính là thịt sam biển, con người có thể chế biến ra được rất nhiều món ăn khác nhau, như: tiết canh sam, gỏi sam, chân sam xào chua ngọt, sam xào xả ớt, trứng sam chiên giòn, trứng sam xào lá nốt, sam hấp, sam bao bột rán, sụn sam nướng, sam xào miến… Các món ăn từ thịt sam biển thơm ngon, nhưng để có được những món ăn độc đáo ấy, thì khâu làm thịt sam và chế biến là cả một quy trình công phu. Sam là món ăn thuộc loại hàn tính, nên phải ăn cùng những gia vị nóng như: giềng, sả, ớt, lá lốt… cùng với tài nghệ khéo léo và kinh nghiệm lâu năm của người đầu bếp, chúng ta sẽ có những món ăn đặc sắc chế biến từ sam biển với những hương vị rất riêng. Thịt sam ngon, vỏ sam cũng rất hữu dụng, có thể khắc hàn, cảm lạnh và kỵ sài cho người và vật nuôi. 

Bánh gio Tiên Yên
Giờ chúng ta sẽ chuyển sang món ăn ngọt nhé. Đến với Tiên Yên, ngoài những đặc sản như cà sáy, gà đồi, bánh gật gù, bánh gio cũng là một món ăn dân dã được nhiều du khách yêu thích. 
Bánh gio Tiên Yên cũng được làm với các công đoạn như mọi nơi, chỉ khác ở phần nguyên liệu làm nước ngâm gạo. Ở đây, nước ngâm gạo được lấy từ tro của cây dền gai, rơm lúa nếp, vỏ bưởi; sau đó rây thật mịn đem hoà với nước vôi trong theo một tỷ lệ nhất định sao cho bánh có màu hổ phách, phảng phất hương vôi, ngọt thơm mát, nuột nà. Gạo nếp cái hoa vàng ngâm nước tro chừng một đêm, khi nào vớt ra thấy hạt gạo miết ở hai đầu ngón tay nát mịn là được. Lá gói bánh thường là lá dong hoặc lá chuối hột. Bánh gio Tiên Yên nhỏ, thường được gói theo hình ú, vồm cao như bàn tay khi nắm lại. Bánh gio đem chấm với mật mía là hết sảy.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét